4 bệnh bé dễ mắc nếu ít ăn rau quả

Táo bón, giảm khả năng miễn dịch và mắc rất nhiều bệnh do thiếu vitamin nếu trẻ lười ăn rau xanh, hoa quả.

1. Táo bón là vấn đề phổ biến nhất

Xenlulozơ hay thường gọi là chất xơ có vai trò rất quan trọng cho tiêu hóa. Trẻ cần chất xơ để ruột có thể hoạt động tốt.

Xenlulozơ có trong rau xanh và hoa quả thúc đẩy sự tăng trưởng của vi khuẩn có lợi trong ruột và ức chế sự tăng sinh của các vi khuẩn có hại. Không đủ lượng xenlulozơ cung cấp cho tiêu hóa sẽ làm giảm kích thích nhu động ruột.

Nhu động ruột chậm lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến táo bón, đi tiêu khó khăn khiến cho bé cảm thấy đau khi đi vệ sinh, thậm chí chảy máu. Phân tích tụ trong ruột quá lâu sẽ sản sinh chất độc hại, phá hủy môi trường có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn trong đường ruột.

be3 4 bệnh bé dễ mắc nếu ít ăn rau quả

2. Thiếu vitamin

Các loại trái cây và rau quả là nguồn cung cấp vitamin C chính cho cơ thể. Vitamin C và collagen giúp hình thành mô liên kết, nhờ đó các tế bào có thể tích hợp chặt chẽ. Thiếu vitamin C có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của răng, lợi, dẫn đến hiện tượng chảy máu và cơ thể bị nhiễm trùng dưới da.

Trái cây và rau màu vàng và màu da cam là một nguồn thực phẩm rất giàu beta-carotene. Beta-carotene trong cơ thể được chuyển hóa thành vitamin A hỗ trợ cho sự phát triển của xương, răng, và tốt cho thị giác.

Thiếu vitamin A có thể phát sinh bệnh quáng gà, viêm da nang tóc, cơ thể bị nhiễm trùng, và thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần.

3. Giảm khả năng miễn dịch

Trái cây và rau quả giàu các thành phần chống oxy hóa (chẳng hạn như vitamin C, beta-carotene). Nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng chất này, các gốc tự do trong cơ thể sẽ có cơ hội phát triển. Lượng dinh dưỡng không cân bằng sẽ làm giảm miễn dịch, khiến bé dễ bị bệnh.

4. Dẫn đến ăn quá nhiều đồ ăn nhẹ

Nhiều trẻ không thích trái cây và rau quả, thay vào đó lại thích thực phẩm có nhiều chất béo và lượng đường cao. Đồ ăn nhẹ với hàm lượng đường cao sẽ ảnh hưởng đến sự ngon miệng của bữa ăn, khiến trẻ dễ bị các triệu chứng thiếu cân và dinh dưỡng.

Mặt khác, bánh kẹo, đồ ăn nhẹ chiên và mặn có thể gây sâu răng, béo phì và các tác dụng phụ khác.

Cách bổ sung thêm chất xơ vào thực đơn hàng ngày cho trẻ

Bữa sáng

Bắt đầu một ngày mới bằng việc cho trẻ ăn các sản phẩm ngũ cốc giàu chất xơ. Cho bé ăn thêm một trong nhóm quả giàu chất xơ là táo, cam hoặc chuối…

– Thêm rau xanh vào các món mỳ, cháo, soup… cho bữa sáng của bé.

– Bên cạńh để bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho bé, mẹ có thể cho trẻ uống các loại sữa tươi, sữa nguyên kem hoặc sữa công thức.

Bữa phụ

– Các bữa ăn phụ, ăn vặt, hãy chọn các trái cây theo mùa, hoa quả khô như nho, quả chà là, quả mơ, táo và lê. Nếu là bữa phụ, trẻ có thể ăn bánh mỳ (bánh sandwich) kẹp với nước sốt thịt, rau; uống kèm nước ép táo, lê, xoài…

– Các loại đỗ như đỗ xanh, đỗ đen, đỗ đỏ cũng giàu chất xơ, dù được nấu (hầm) chín.

– Nếu có thể, bạn thử nướng khoai lang cả vỏ rồi cho bé thưởng thức vì khoai lang và vỏ khoai lang là nguồn dồi dào chất xơ.

Bữa tối

– Ngoài những món như gà, cá, thịt lợn, thịt bò… cần cho trẻ ăn thêm rau xanh với các hình thức luộc, nấu canh, xào, hầm…

Tuy nhiên, bạn cần tránh tăng đột ngột lượng chất xơ vào trong chế độ dinh dưỡng, mà cần tăng từ từ và không quên cho trẻ uống đủ nước.

Lưu ý không nên cho trẻ ăn quá nhiều chất xơ

– Quá nhiều chất xơ có thể gây hại đến việc hấp thụ một số thức ăn đồng hóa trực tiếp như sắt, đồng và kẽm.

– Chất xơ chiếm nhiều diện tích trong dạ dày có thể làm mất cảm giác ngon miệng ở trẻ và lấy đi lượng calo cần thiết cho tăng trưởng.

– Cho trẻ ăn vừa đủ các loại trái cây và rau, ăn trái cây có vỏ sau khi đã được rửa sạch kỹ, các món ăn thuộc họ đậu.

Lượng chất xơ cần thiết

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y khoa khu vực Genesys, bang Michigan (Mỹ), cách dễ dàng để xác định là cứ cộng thêm 5 vào số tuổi của trẻ.

Đối với trẻ 7 tuổi thì nên ăn 12 gam chất xơ 1 ngày. Trẻ trên 10 tuổi nên bổ sung từ 15-20 gam chất xơ/ngày.

Theo Afamily

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *