Kinh nghiệm dân gian và y học cổ truyền đều cho rằng, ngoài các bộ phận khác của con gà có công hiệu trị bệnh, chân gà cũng là một vị thuốc hay, đặc biệt với cánh đàn ông, nó có tác dụng bổ dưỡng, mạnh sinh lực, cường gân cốt. Xin giới thiệu một số món ăn bài thuốc để các quý ông tham khảo.
Bài 1: Canh chân gà với lạc nhân: Chân gà 10 cái, lạc nhân 50g, gừng lát mỏng 5g, rượu 20g, hành 10g, mỡ gà, muối tinh, mì chính vừa đủ. Chân gà chặt bỏ móng, bóc da rửa sạch cho rượu gừng nước vào đun 1/2 giờ rồi cho lạc vào, cho vừa gia vị, đun nhỏ lửa, hầm 1,5 giờ – 2 giờ. Sau đó cho hành mì chính, tưới mỡ gà, múc lên bát ăn nóng. Công dụng: tăng khả năng tình dục cho nam giới.
Bài 2: Chân gà xào mộc nhĩ trắng:
Chân gà 5 đôi, mộc nhĩ trắng 1 cái to, nấm hương 5-6 cái, thịt nạc vai 100g, cà rốt tỉa 5-6 khoanh, bột đao 1 thìa cà phê, hành tỏi khô 1/2 củ, mỡ nước (hay dầu ăn) 3 thìa. Nước mắm, bột canh, hạt tiêu, mì chính, rau mùi, gừng, rượu. Chân gà đã rút xương, tẩy qua gừng rượu, ướp với nước mắm, bột canh, hạt tiêu và bột đao. Thịt nạc vai thái mỏng, ướp giống như ướp chân gà. Mộc nhĩ trắng, nấm hương ngâm nở, rửa sạch. Cà rốt tỉa trần chín. Tưới mỡ láng chảo đun nóng già, phi thơm hành tỏi bỏ chân gà và thịt xào chín xúc ra. Mỡ còn lại xào mộc nhĩ trắng, nấm hương, cà rốt, nêm đủ các gia vị và chế thêm vài thìa nước cho chín đều mới trút chân gà và thịt vào đảo đều lên là được. Xúc vào đĩa rắc hạt tiêu, rau mùi, ăn nóng. Công dụng: đại bổ khí huyết, tráng dương ích tinh.
Bài 3: Chân gà hầm đậu đen: 5 cặp chân gà, 300g đậu đen, 50 hạt mướp, 100g nếp hương, gia vị. Chân gà sạch, bóc lớp da vàng cứng ở ngoài, bỏ móng, đập dập chân gà. Đậu đen ngâm qua đêm cho nở, hôm sau rửa lại cho sạch. Cho các thứ vào nồi, cho nước để nấu cháo đủ ăn. Nấu cháo nhừ nhuyễn, ăn nóng với tiêu rau thơm. Công dụng: bổ gân xương, tráng dương, bổ thận.
Bài 4: Chân gà hầm sâm quy: Chân gà 1 cặp, nhân sâm 1 củ, đương quy 8g, hạt sen 10g, ý dĩ 10g. Hầm nhừ, nêm đủ gia vị là ăn được. Công dụng: mạnh gân xương, tăng cường khí huyết, chống lão suy, bổ thận cốt tinh.
Bài 5: Canh chân gà, lạc, xương chó:
Chân gà 1 đôi (khoảng 250g), lạc 30g, xương sống chó 20g, táo đỏ 4 quả, trần bì 3g. Nhúng chân gà vào nước sôi, lột bỏ màng, chặt móng, rửa sạch. Rửa sạch xương sống chó, trần bì, lạc, táo đỏ. Cho toàn bộ nguyên liệu vào nồi, cho lượng vừa nước, sau khi dùng lửa to nấu sôi, chuyển sang lửa nhỏ hầm khoảng 2 giờ, nêm gia vị là được. Công dụng: Bổ thận kiện tỳ, cường gân cốt, thích hợp với chứng tê liệt do thận khuy khí như triệu chứng cơ thể mệt mỏi vô lực, gầy yếu, lưng mỏi mềm đi lại không vững, khớp xương tê đau, tình dục suy giảm.
Bài 6: Canh tủy sống lợn, chân gà: Tủy sống lợn 4 cái, chân gà 8 cái, ba kích thiên 30g, ngưu tất 60g, sinh khương 4 miếng, táo đỏ 5 quả. Rửa sạch tủy sống lợn, nhúng sơ qua vào nước sôi, chân gà bỏ da, móng rửa sạch. Rửa sạch ba kích thiên, ngưu đại lực, sinh khương, táo đỏ (bỏ hạt). Cho toàn bộ nguyên liệu vào nồi, cho vào lượng vừa nước, sau khi dùng lửa to nấu sôi, chuyển sang lửa nhỏ hầm 3 giờ, nêm gia vị là được. Công dụng: Chân gà cường gân kiện cốt, bổ thận dương,4 chữa suy giảm tình dục.
Theo SKDS