Hầu hết người có tuổi thường tỉnh giấc lúc nửa đêm hoặc thức dậy trước khi mặt trời lên và chấp nhận điều đó như một phần của sự lão hóa. Nhưng liệu con người ta thực sự cần ngủ ít hơn khi già đi? Không, người cao tuổi cũng cần lượng giấc ngủ tương đương những người trẻ tuổi.
Đó là khẳng định của Giáo sư David Hillman, Chủ tịch Quỹ sức khỏe giấc ngủ của Australia. “Nhu cầu ngủ là tương đối ổn định với mọi người từ 20 tuổi trở lên, mặc dù thực tế càng có tuổi thì giấc ngủ có sự thay đổi”, Giáo sư Hillman nói. Đáng chú ý là có rất nhiều người già cảm thấy khó ngủ, mất ngủ mà không nghi ngờ bởi họ cho rằng đó là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Nhưng trong nhiều trường hợp, khi đã xác định đúng nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ để điều trị, những người lớn tuổi có thể cảm thấy như mình trẻ lại vài tuổi.
Nguyên nhân gây kém ngủ
Trung tâm sinh học xuất phát từ bộ não (hay còn gọi là đồng hồ sinh học) kiểm soát nhịp thức ngủ mỗi ngày. Các trung tâm này bị ảnh hưởng bởi ánh sáng và bóng tối, nhưng cũng có thể do thói quen hàng ngày chi phối. Đồng hồ cơ thể cũng kiểm soát việc sản xuất một hormone gọi là melatonin có chức năng thúc đẩy giấc ngủ. Khi già đi, cơ thể sản xuất nội tiết tố này ít hơn, vì thế người có tuổi sẽ thấy khó khăn hơn khi đi vào vào giấc ngủ.
Người lớn tuổi cũng có khả năng gặp phải hội chứng thay đổi giai đoạn ngủ, nghĩa là họ buồn ngủ vào chập tối, vì thế, họ vẫn ngủ đủ 8 tiếng nhưng khi thức giấc thấy mình tỉnh táo lúc trời tờ mờ sáng. Ngoài ra, trong khi cơ thể được lập trình để ngủ vào ban đêm thì một số người già, hầu hết rỗi rãi sinh ra cảm giác buồn ngủ vào buổi chiều, chợp mắt một lúc vào cuối buổi chiều như vậy tất nhiên ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.
Ngoài ra còn có các vấn đề sức khỏe cụ thể liên quan đến lão hóa có thể tác động đáng kể về giấc ngủ, bao gồm: Đau nhức, đặc biệt là các bệnh như viêm khớp và loãng xương; lo âu và trầm cảm; bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ; trào ngược, nhiều người có cảm giác khó chịu sau khi ăn hoặc càng trầm trọng thêm nếu nằm xuống; tiểu đêm, đặc biệt là những người có bệnh về tuyến tiền liệt; ngưng thở khi ngủ cũng là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi, ảnh hưởng của một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc lợi tiểu…
Bí quyết ngủ đủ giấc
Mặc dù những người lớn tuổi có nhiều lý do khiến họ khó có được một đêm ngon giấc nhưng có thể khắc phục được điều này bằng những quy tắc đơn giản như: Ngủ đúng giờ, tận dụng thời gian sao cho ngủ đủ giấc mỗi ngày; nếu thiếu ngủ, có thể bù vào giấc ngủ trưa 30 phút đến 1 tiếng; ăn điều độ, tránh ăn no vào ban đêm, tránh chất caffeine vào buổi chiều; đảm bảo phòng ngủ có giường thoải mái, nhiệt độ thích hợp và không có tivi; nếu còn nhiều việc phải làm trước khi đi ngủ, hãy viết ra kế hoạch cho ngày sắp tới.
Nhiều người không có trục trặc về sức khỏe nhưng vẫn có thể bị mất ngủ vì khó ngủ hoặc thức dậy lúc nửa đêm là không ngủ lại được nữa. Mất ngủ không nhất thiết liên quan đến lão hóa, vì vậy nếu cảm thấy khó chịu, tốt nhất nên tư vấn bác sĩ để điều trị chứng mất ngủ.
Theo Anninhthudo