Cảnh giác với dịch thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây, dễ bùng phát thành dịch. Cũng giống như sởi và một số bệnh do virus khác, thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân.

Thủy đậu là bệnh do virus Varicella zoster gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp khi người lành hít phải những giọt li ti trong không khí thải ra từ mũi, họng người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc lây qua sự tiếp xúc với mụn nước của người bệnh. Bệnh thậm chí có thể lây khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi… có chứa siêu vi trùng gây bệnh.

Bệnh thủy đậu đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai. Trong nửa đầu của thai kỳ nếu mắc thủy đậu thì thai nhi có thể bị dị dạng. Nếu trước sinh một tuần, người mẹ bị thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong. Để phòng thủy đậu, biện pháp tốt nhất là tiêm phòng vaccine.

Bệnh thủy đậu xuất hiện ở mọi lứa tuổi

Bác sĩ chuyên khoa I, Hồ Thị Hoài Thu, khoa Khám bệnh – Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, dịch thủy đậu bắt đầu xuất hiện trên địa bàn Hà Nội từ trước Tết Nguyên đán đến nay, với rất nhiều bệnh nhân vào khám. Hàng ngày cả khoa Khám bệnh, tiếp nhận khoảng trên dưới 20 bệnh nhân thủy đậu vào khám, điều trị.

thuy dau Cảnh giác với dịch thủy đậu

Khi phát hiện bệnh, cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, đúng cách để tránh biến chứng. Ảnh minh họa

Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây, dễ bùng phát thành dịch. Cũng giống như sởi và một số bệnh do virus khác, thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Đáng chú ý, trong số những bệnh nhân thủy đậu đến khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội năm nay, không chỉ trẻ em mà còn có khá nhiều người lớn, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đa số người mắc chưa được tiêm vaccine phòng thủy đậu, tuy nhiên cũng có một số đã tiêm vaccine rồi vẫn mắc bệnh.

Bệnh nhân bị thủy đậu thường biểu hiện qua các ban sần, mụn nước gây khó chịu và ngứa toàn thân kèm theo sốt. Biểu hiện ban đầu của bệnh là phát ban trên khắp cơ thể. Đầu tiên, nốt phỏng nông, thưa, mọc rất nhanh, sau đó mọc làm nhiều đợt cách nhau 2 – 3 ngày, do đó ở cùng một vùng da, có thể gặp đủ loại nốt đậu khác nhau, nốt to, nốt nhỏ, nốt đỏ, nốt phỏng, nốt đã đóng vẩy. Nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, nốt đậu sẽ thành mủ, sưng to và rất ngứa khiến người bệnh gãi trầy da, để lại sẹo sâu. Nếu điều trị đúng chỉ định và vệ sinh sạch sẽ, không bị biến chứng thì bệnh thủy đậu sẽ khỏi sau 5-7 ngày.

Phòng tránh bệnh thủy đậu

Bác sĩ Hồ Thị Hoài Thu cho biết nhiều người quan niệm khi bị thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió thật kỹ nên khi bị thủy đậu thường kiêng không tắm rửa, vệ sinh cơ thể, thậm chí không dám ra khỏi nhà vì tránh gió. Đây là một quan niệm sai lầm mà càng làm cho bệnh trở nên nặng hơn. với bệnh thủy đậu, người bệnh vẫn cần tắm rửa, vệ sinh hàng ngày nhưng cần phải đun nước ấm, tốt nhất tắm bằng nước lá chè xanh đun sôi, giữ ấm cơ thể, chú ý súc miệng nước muối thường xuyên và ăn uống nhiều chất để tăng cường đề kháng.

Thực tế có những bệnh nhân khi mắc thủy đậu, vì kiêng nước quá kỹ, không dám tắm rửa mấy ngày liền dẫn đến nhiễm trùng ở các vết mụn nước (do ngứa, gãi nhiều dẫn đến xước, các mụn nước bong vẩy sớm). Trường hợp bị nhiễm trùng nặng, bội nhiễm, virus tấn công vào bên trong cơ thể qua chỗ da xước, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.

Khi các nốt thủy đậu vỡ, bôi thuốc Xanhmethylen để làm se nốt mụn thủy đậu, chống bội nhiễm. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin.

Khi phát hiện trẻ bị thủy đậu cần cho nghỉ học, cách ly với môi trường đông người để tránh lây nhiễm. Tất cả đồ dùng cá nhân của trẻ phải dùng riêng. Khi phát hiện bệnh, cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, đúng cách để tránh biến chứng.

Theo Afamily

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *