Chăm sóc răng miệng của trẻ, ngay cả trước khi bạn nhìn thấy những chiếc răng mọc lên, là chìa khóa cho sức khỏe răng miệng tốt.
Chăm sóc răng sữa
Bộ răng đầu tiên, còn gọi là “răng sữa” rất quan trọng và cần được chăm sóc. Những chiếc răng này không chỉ giúp trẻ nhai và phát âm khi nói, mà còn giúp phát triển xương hàm và giữ chỗ cho răng vĩnh viễn (bắt đầu mọc khi trẻ 6 hoặc 7 tuổi). Khi răng bắt đầu mọc, nướu răng sẽ bị đau, vì vậy, trẻ có thể cảm thấy khó chịu và la lối. Bạn có thể thử dùng tay xoa nắn nhẹ nướu của trẻ hoặc cho trẻ ngậm/cắn vòng mọc răng (teething ring). Trên thị thường cũng có bán các loại keo mọc răng cho trẻ sơ sinh (teething gel). (Lưu ý Cục Quản Lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo không nên sử dụng những sản phẩm chứa benzocaine cho trẻ dưới 2 tuổi trừ khi được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa). Trao đổi với nha sĩ những cách khác có thể giúp bé dễ chịu hơn.
Cũng như răng và nướu của người lớn, răng và nướu của trẻ cũng cần được làm sạch. Để giúp trẻ làm quen với điều này, hãy dùng một mảnh vải nhỏ hoặc miếng gạc y tế mềm và ẩm lau nướu của trẻ sau mỗi bữa ăn. Ngay khi chiếc răng đầu tiên mọc vào chỗ, bắt đầu chải răng bằng bàn chải lông mềm thiết kế riêng cho trẻ. Dùng nước thay vì kem đánh răng chứa fluor cho trẻ dưới 2 tuổi, trừ khi được đề nghị sử dụng fluor từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Một khi trẻ bắt đầu biết khạc nhổ, chúng đã sẵn sàng cho việc chải răng, trong khi hướng dẫn, hãy sử dụng kem đánh răng với lượng nhỏ như hạt đậu. Giúp trẻ nhổ kem đánh răng ra ngoài.
Sâu răng có thể phát triển ở răng sữa. Vì lý do này, bạn nên hạn chế cho răng trẻ tiếp xúc quá lâu với các loại nước uống nhiều đường – như nước ngọt có gas, nước trái cây, sữa công thức (formula) hoặc thậm chí sữa tươi – có thể thúc đẩy sâu răng. Đừng bao giờ cho trẻ bú bình hoặc nhâm nhi những thức uống này ban đêm trong lúc ngủ. Hơn nữa, đừng nhúng núm vú giả của trẻ vào mật ong hay bất kỳ chất làm ngọt nào khác.
Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên đưa trẻ đến nha sĩ sau khi chiếc răng đầu tiên mọc lên và không được trễ quá lần sinh nhật đầu tiên của trẻ. Điều này được xem như một “kiểm soát sức khỏe trẻ nhỏ toàn diện”. Nó giúp nha sĩ kiểm tra sâu răng và những vấn đề khác ảnh hưởng đến răng của trẻ, bao gồm những thói quen xấu như mút ngón tay. Nha sĩ còn có thể hướng dẫn bạn làm sạch răng trẻ một cách chính xác.
Chăm sóc răng vĩnh viễn
Răng vĩnh viễn bắt đầu mọc khi trẻ được 6 hoặc 7 tuổi và tiếp tục mọc trong suốt tuổi dậy thì và có thể những năm đầu của tuổi trưởng thành. Chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng chứa fluor và làm sạch kẽ răng mỗi ngày một lần với chỉ nha khoa hoặc dụng cụ làm sạch kẽ răng là những thói quen quan trọng cần được trẻ thích nghi. Hạn chế ăn quà vặt hoặc thức ăn, thức uống chứa nhiều đường cũng là một chiến dịch lâu dài giúp răng khỏe mạnh.
Kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên cũng rất cần thiết. Nó giúp nha sĩ phát hiện những vấn đề như sâu răng, và điều trị ngay khi có thể. Nó cũng tạo điều kiện cho việc làm sạch chuyên khoa và thoa fluor giúp răng khỏe mạnh. Nha sĩ có thể đặt chất trám bít hố rãnh (dental sealants) lên mặt nhai các răng sau của trẻ bảo vệ chúng khỏi nguy cơ sâu răng về sau. Những mặt nhai này có hố, rãnh sâu, nơi thức ăn và mảng bám có thể tích tụ và phá hủy bề mặt men trên răng của trẻ.
Chăm sóc răng miệng của trẻ, ngay cả trước khi bạn nhìn thấy những chiếc răng mọc lên, là chìa khóa cho sức khỏe răng miệng tốt. Hãy trao đổi với nha sĩ những cách giúp trẻ có một mụ cười khỏe mạnh suốt đời.
Theo Kienthucsuckhoe