Mẹo nhỏ bảo vệ da bé khỏi ánh nắng mặt trời

Những ngày hè nắng nóng gay gắt, làm sao để bé vui chơi thoải mái ngoài trời mà vẫn bảo đảm sức khỏe, đặc biệt là làn da mỏng manh của bé không bị ánh nắng mặt trời tác động. 

Dưới đây là vài mẹo nhỏ cho mẹ bảo vệ da bé khỏi ánh nắng mặt trời.

Lưu ý khi dùng kem chống nắng cho bé

Làn da của trẻ nhỏ mỏng manh và nhạy cảm hơn nhiều so với người lớn, do đó sự hấp thụ các thành phần hóa chất trong kem chống nắng sẽ dễ dàng hơn.

Ngoài ra, tỷ lệ diện tích bề mặt da so với trọng lượng cơ thể của trẻ cũng lớn hơn so với người lớn, do vậy trẻ có nguy cơ phải tiếp xúc nhiều với hóa chất trong kem chống nắng hơn hẳn, nguy cơ dị ứng cũng cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, với những buổi đi bơi, dã ngoại hoặc đi biển, việc cho bé ra nắng là khó tránh khỏi, vì thế tốt nhất là sử dụng loại kem hoặc thuốc xịt có công thức đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và các loại dành riêng cho trẻ em.

Mẹ nên bôi kem chống nắng lên những vùng da của bé không được che phủ như tay và chân. Bạn nên bôi một lượng kem vừa đủ, không quá mỏng, quá dày và nên bôi trước khi bé ra nắng khoảng nửa tiếng. Và sau đó khoảng vài giờ, kể cả bạn dùng loại kem chống nước hay không thì cũng nên bôi lại sau một khoảng thời gian nhất định. Trước khi mua kem chống nắng cho bé, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Nếu da bé có tiền sử bị bệnh chàm hoặc thuộc vùng da nhạy cảm, cần kiểm tra danh sách các thành phần của kem chống nắng để chắc chắn rằng loại bạn dùng cho bé không có bất cứ thành phần nào làm bé dị ứng.

Trước khi bôi kem lên da bé, bạn nên thử ở một vùng da nhỏ trước, nếu có hiện tượng phát ban hoặc sưng đỏ ở vị trí kiểm tra, hãy ngừng sử dụng và thay bằng một loại kem chống nắng khác thích hợp hơn.

nang Mẹo nhỏ bảo vệ da bé khỏi ánh nắng mặt trời

Ảnh minh họa.

Làm thế nào để bảo vệ da bé dưới ánh nắng?

Nếu để bé đi bơi hoặc vui chơi ngoài trời, bạn nên cố gắng giữ bé trong bóng râm càng lâu càng tốt hoặc che ô để tránh tối đa ánh nắng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, khi tia cực tím có cường độ mạnh nhất.

Nếu phải ở ngoài nắng quá lâu, bạn nên sử dụng thêm kem chống nắng. Kem chống nắng nên có chỉ số SPF ( yếu tổ bảo vệ chống nắng) ít nhất là 15. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng thương hiệu kem chống nắng bạn chọn cho bé phải là loại có thương hiệu tốt, đã được nhiều người đánh giá cao và sử dụng.

Trang phục của bé cũng cần thoáng mát, để giữ cho làn da bé không bị bí, nên chọn những loại trang phục làm từ vải dệt nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt.

Bạn nên đội cho bé một chiếc mũ rộng vành để che được cả khuôn mặt, tai và cổ bé khỏi ánh nắng.

Đôi mắt cũng rất quan trọng, hãy trang bị cho bé một chiếc kính mát để bảo vệ đôi mắt nhạy cảm của bé.

Nếu bạn đưa bé đi dạo ngoài trời bằng xe đẩy, hãy chọn loại xe có mái vòm rộng để tránh ánh nắng thật tốt cho bé.

Trời quá nắng nóng, trẻ thường có nguy cơ mất nước, vì vậy phải luôn cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ngoài ra có thể cho trẻ uống thêm nước để cơ thể trẻ được bổ sung đủ nước.

Phải làm gì nếu da bé không may bị cháy nắng?

Da của bé rất nhạy cảm, vì thế dù bạn có cố gắng bảo vệ bé khỏi ánh nắng như thế nào đi chăng nữa thì tình trạng cháy nắng đôi khi vẫn rất dễ xảy ra.

Vấn đề là bạn sẽ không thể nhận ra da của bé có bị cháy nắng ngay lập tức vì những vết tấy đỏ và rát như vết bỏng có thể chỉ xuất hiện sau khi bé ở ngoài nắng khoảng vài giờ.

Nếu bé bị hiện tượng cháy nắng như có những vết đỏ, có cảm giác rát, hãy ngâm một miếng vải mềm với nước lạnh, sau đó nhẹ nhàng đặt nó lên vùng da bị cháy nắng của bé trong 10 – 15 phút, làm lại việc này nhiều lần trong ngày.

Một cách khác, bạn có thể tắm cho bé trong nước ấm với một muỗng cà phê baking soda sẽ giúp làm mát da bé và giảm các vết tấy đỏ.

Nếu da bé có hiện tượng cháy nắng nghiêm trọng hơn như sưng và phồng rộp, hãy tới ngay bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê cho bé loại kem bôi làm dịu da, paracetamol để giảm sưng đau và điều trị các mụn nước do cháy nắng.

Theo Afamily

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *