Dâu tằm có thể ngâm đường, nấu cháo cùng với mè đen hoặc gan heo, câu kỷ… có công dụng rất tốt với tóc.
Quả dâu tằm (tang thầm) có vị ngọt, chua, tính ôn hòa, vào hai kinh can, thận. Tác dụng bổ can, thận, dưỡng huyết, trừ phong. Dùng chữa can, thận suy, thiếu máu, suy nhược cơ thể, tiêu khát, táo bón, mất ngủ, tóc bạc sớm. Nên dùng liều 12-20g/ngày. Người thường đi tiêu lỏng không dùng được.
Một số món ăn, thức uống có ích cho tóc chế biến từ quả dâu tằm
– Nước dâu tằm, ý dĩ, đậu xanh
Nguyên liệu: Quả dâu tằm 60g, ý dĩ nhân sống 30g, đậu xanh 30g
Cách làm: Ba thứ rửa sạch, để ráo, cho vào siêu đất, nấu với 4 chén nước, sắc còn 2 chén. Thêm đường vừa đủ, bỏ bã, uống nước.
– Sirô dâu tằm
Nguyên liệu: Chọn quả dâu chín 2kg, đường cát trắng 1kg
Cách làm: Dâu rửa thật sạch đất cát, cho vào lọ thủy tinh, cứ một lớp dâu, một lớp đường cát trắng. Đưa bình ra phơi nắng, thời gian sau nước dâu chảy ra và lên men, uống rất ngon. Ngày dùng 20-30ml, trước bữa ăn.
Người ta còn chế sirô dâu, kẹo dâu để dùng quanh năm. Tuy nhiên, khi sắc quả dâu uống thì không nên dùng quá 20g/ngày.
– Cháo mè đen, dâu tằm
Nguyên liệu: Mè đen (vừng đen) 60g, quả dâu tằm 60g, gạo tẻ 50g, ít đường.
Cách làm: Gạo vo sạch, mè đen, quả dâu rửa sạch, giã nát. Cho 3 thứ vào nồi nấu với 1 lít nước. Lúc đầu nấu với lửa lớn cho sôi, sau đó để lửa nhỏ nấu cháo chín loãng, thêm ít đường vào. Ăn nóng vào lúc đói bụng.
– Cháo gan heo, câu kỷ, dâu tằm
Nguyên liệu: Gạo lứt 80g, gan heo 50g, câu kỷ tử 12g, trái dâu tằm 12g, muối một ít.
Cách làm: Gạo vo sạch ngâm nước; gan heo rửa sạch, cắt miếng; câu kỷ tử bỏ rễ, rửa sạch; trái dâu rửa sạch. Nấu gạo lứt thành cháo rồi cho dâu, câu kỷ tử, gan heo vào, nêm ít muối. Nấu đến khi cháo nhừ là được.
Cách dùng: Mỗi ngày ăn một lần, dùng bữa sáng.
Theo suckhoedoisong