Thông thường, bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà… rất dễ bị viêm phế quản.
Thời tiết đã chuyển sang đông, nhiệt độ thay đổi thất thường, nắng hanh khô ban ngày và se lạnh buổi tối kèm theo sương mù sáng sớm. Đây là thời điểm thuận lợi làm bộc phát các bệnh ở trẻ, nhất là ở những bé có hệ miễn dịch yếu, dẫn đến tỉ lệ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng. Trong đó có bệnh viêm phế quản.
Viêm phế quản (VPQ) là bệnh thường gặp ở trẻ em, bất kể lứa tuổi nào và thời tiết nào. Bệnh không thể điều trị khỏi hẳn. Khi trẻ đã lớn, tầm 10-12 tuổi thì triệu chứng bệnh có thể hết dần.
Để trẻ không bị viêm phế quản, các bậc cha mẹ cần phải chú ý những vấn đề sau:
Nguyên nhân gây bệnh
Theo BS.CK2.Nguyễn Thị Thanh – TK.Dịch vụ, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, viêm phế quản là viêm nhiễm đường thở dưới, dân gian còn gọi là sưng cuống phổi, bệnh chưa tấn công vào nhu mô phổi , tuy nhiên khi viêm cuống phổi thì sẽ gây triệu chứng kích thích ho nhiều và nếu không được điều trị tích cực thì có thể lan xuống nhu mô phổi dẫn đến viêm phổi.
Trẻ bị viêm phế quản không nhất thiết phải dùng kháng sinh. (Ảnh minh họa)
Thông thường, bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà… rất dễ bị viêm phế quản. Những trẻ đẻ non, còi xương, suy dinh dưỡng cũng dễ mắc và thường diễn tiến nặng đến viêm phổi . Đây là một bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ em, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu chảy.
Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là virus, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. influenzae rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn… Những vi khuẩn này thường xuyên có ở mũi – họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh. Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, môi trường ô nhiễm là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.
Cách phòng ngừa bệnh cho bé:
– Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối của các nhóm dưỡng chất (tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả).
– Nâng sức đề kháng của bé bằng việc ăn đầy đủ các chất đạm, đường, mỡ, uống sữa, bổ sung vào chế độ ăn uống của bé các loại vitamin và khoáng chất như vitamin A, B12, C, D, Folate, Canxi, Sắt, Magiê.
– Cho trẻ ngậm các loại kẹo có 4 loại tinh dầu thảo dược gồm tần, gừng, tràm, bạc hà.
– Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
– Tránh tiếp xúc với trẻ đang bị nhiễm siêu vi.
– Không để trẻ dầm mưa, chơi ngoài nắng hay đi bơi quá nhiều .
– Rửa tay bé thường xuyên với xà phòng, đặc biệt các bé đi nhà trẻ.
– Bảo đảm vệ sinh ăn uống cho trẻ, môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ.
– Sát trùng cổ họng cho bé mỗi ngày bằng nước muối, uống thật nhiều nước ấm
– Tránh các tác nhân gây dị ứng và cách li trẻ với môi trường khói thuốc, hóa chất hoặc không nên để trẻ tiếp xúc với chó, mèo. Thậm chí, nhiều trẻ có tiền sử dị ứng với lông chó, mèo cũng có nguy cơ mắc chứng viêm phế quản khi chơi với thú nhồi bông.
– Phòng ngủ của trẻ cần được đặc biệt thông thoáng, trong lành. Không nên trải thảm trong phòng trẻ. Nên thường xuyên giặt chăn, gối dành cho trẻ, sau đó phơi nắng thật khô.
Theo Megafun