Theo Đông y, Đào tính ấm, vị ngọt chua, đi vào kinh tâm, can phế và đại trường, có công hiệu bổ khó sinh tân, dưỡng huyết hoạt huyết, tư bổ cường thân, dưỡng nhan làm đẹp.
Đào – Prunus persica Stokes (Amygdalus persica L.), thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Tên khác: mật đào, đào thật, mao đào, bạch đào, hồng đào. Đào dinh dưỡng phong phú, chứa protid, lipid, glucid, chất xơ, vitamin và các nguyên tố vi lượng.
Tác dụng thực dưỡng
Ngừa thiếu máu, thúc đẩy tạo máu: trong thịt quả đào chứa nhiều sắt, chỉ đứng sau quả anh đào. Do chất sắt tham gia tạo máu trong cơ thể, cho nên ăn đào giúp thúc đẩy khả năng tái sinh hemoglobin, theo đó phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt.
Chống đông máu: nghiên cứu dược lý cho thấy, chất chiết từ đào nhân (nhân hạt đào) ức chế kết tập tiểu cầu, do vậy có tác dụng chống đông máu rất tốt và tác dụng tan máu yếu.
Chống xơ gan, lợi mật: chất chiết từ đào làm giãn tĩnh mạch cửa, thúc đẩy gan tuần hoàn máu và nâng cao hoạt tính collagenase mô gan, cũng như thúc đẩy chuyển hóa collagenase trong gan, có tác dụng điều trị tốt đối với chai gan, xơ gan. Còn làm cho các hồng cầu tuần hoàn trong gan tăng tốc, thúc đẩy bài tiết dịch mật.
Trị ho bình suyễn: trong đào có chứa amygdalin, emulsin, sau khi thủy phân có tác dụng trấn tĩnh trên cơ quan hô hấp, giúp trị ho bình suyễn.
Quả đào có công dụng chống ung thư.(Ảnh minh họa)
Phòng chống ung thư: sản phẩm thủy phân của amygdalin chứa trong đào là hydrocyanic acid và benzoic aldehyde có tác dụng phá hỏng đối với tế bào ung thư.
Lợi tiểu thông lâm, thoái hoàng tiêu thũng: trong hoa đào (hoa đào nhân) có chứa phenols, có tác dụng lợi tiểu, trừ thủy khí, tiêu thũng, chữa hoàng đản.
Món ăn – bài thuốc
Đào khô tẩm mật: đào tươi 30 quả, mật ong 80ml, đường trắng 10g. Đào rửa sạch, bổ làm đôi, bỏ hột phơi khô. Đào phơi khô chứa trong thố sành, rưới lên mật ong, đường trắng, đậy kín cho vào nồi, dùng lửa vừa chưng cách thủy 2 giờ. Sau khi để nguội, chứa trong keo thủy tinh sử dụng dần. Sau mỗi bữa ăn dùng đào khô 1 – 2 lát, nước cốt nửa muỗng, uống với nước ấm. Đào khô có tác dụng ích phế dưỡng tâm, sinh tân hoạt huyết, trợ giúp tiêu hóa. Người bệnh tim, phổi dùng bồi bổ rất tốt.
Đào lát chiên giòn: đào 750g, trứng gà 5 quả, bột mì, đường trắng, sữa bò mỗi thứ vừa đủ, bột thơm một ít, dầu ăn 0,5 lít. Đào rửa sạch, gọt vỏ bỏ hột, thái lát, cho vào chén, ướp với đường trắng. Trứng gà đập ra, tách biệt lòng đỏ, lòng trắng; sữa bò, lòng đỏ, bột mì, bột thơm, đường trắng cùng cho vào thau, thêm nước vừa đủ, quết thành dạng hồ. Lòng trắng trứng đánh lên bọt đổ vào hồ bột, trộn đều. Bắc chảo lên bếp, đổ dầu ăn cho nóng, nhúng đào vào trong hồ bột, rồi chiên với dầu, chiên chín đến ngả vàng, gắp vào khay, sẵn nóng rắc thêm đường thì hoàn tất. Món ăn có công hiệu dưỡng vị sinh tân, tư âm nhuận táo, thích hợp dùng cho các chứng vị âm bất túc, miệng khô, phế táo ho khạc, đau họng khan tiếng, táo bón và hư suy…
Đào nhân trộn mè: đào nhân 0,5 kg, mè 0,5 kg, đường trắng 0,5 kg, mật ong 0,5 lít. Đào nhân bỏ vỏ giã nhuyễn, mè xay nhuyễn, thêm đường trắng và mật ong trộn đều. Mỗi sáng và tối dùng 1 muỗng. Món ngọt này công hiệu khử ứ, cải thiện chức năng gan, là thức ăn hỗ trợ điều trị cho người bệnh viêm gan mạn tính.
Chè đào nhân: đào nhân 15g, gạo 50g, đường trắng vừa đủ. Đào nhân giã nhuyễn, thêm nước mài, lấy nước cốt, bỏ bã, cùng gạo ninh thành chè, nêm đường trắng. Món chè công hiệu hoạt huyết khu ứ, tiêu thũng giảm đau. Thích hợp dùng cho các chứng phụ nữ bế kinh, ứ huyết sưng đau, đau tức ngực sườn, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…
Theo Sức khỏe & đời sống.