Thuốc y học cổ truyền hiện nay rất phong phú và đa dạng bao gồm cả thuốc viên và thuốc sắc… Vậy nên dùng loại nào?
Ưu, nhược của thuốc viên
Thuốc viên đề cập ở đây là thuốc viên bào chế theo công nghệ y học hiện đại, không giống với phương pháp bào chế thuốc viên (hoàn) trong y học cổ truyền. Nghĩa là chúng ta dùng công nghệ mới chiết lọc ra các hợp chất hóa học nhằm làm tăng tác dụng của thuốc. Ví dụ viên nang dầu cá hồi, viên nang dầu gấc…
Ưu điểm của thuốc viên là tiện lợi. Các thuốc viên được đóng thành viên nén, bảo quản cẩn thận nên có thể mang đi bất cứ đâu, tới bất cứ chỗ nào, chỉ cần đem lọ thuốc hay vỉ thuốc theo rất gọn nhẹ lại chứa đủ thuốc. Thuốc viên còn có ưu điểm nữa là dễ bảo quản và dễ lưu hành. Một ưu điểm nổi bật của thuốc viên là tính cô đặc cao. Toàn bộ các hợp chất hóa học đã được cô đặc và chỉ cần uống 1 viên đã bằng uống vài thang thuốc sắc. Công hiệu điều trị tất sẽ mạnh. Ưu điểm nữa của thuốc viên là chứng minh được cơ chế điều trị rõ ràng, chất gì tác dụng.
Thuốc viên và thuốc sắc mỗi loại đều có ưu và nhược khi sử dụng.
Nhưng thuốc viên cũng sở hữu những nhược điểm cố hữu. Bạn chỉ có thể bào chế tinh lọc được một chất hóa học có trong thuốc chứ không thể bào chế tất cả các chất có trong thuốc. Ví dụ như bạn chỉ có thể lấy ra được curcumin trong nghệ trong khi đó nghệ còn chứa nhiều lớp hoạt chất khác nữa. Việc bào chế thuốc viên đã vô tình loại bỏ các hoạt chất sinh học quý, mà đôi khi nó đóng vai trò bổ trợ hoàn hảo cho thang thuốc. Ví dụ phát hãn giải biểu là dùng các thứ tinh dầu làm nóng cơ thể, toát mồ hôi ra ngoài, thải bỏ mầm bệnh. Nhưng nếu tinh chế một vài ester (tinh dầu) trong lá bưởi, lá sả, lá gừng để dùng thì lại không tạo ra được hiệu ứng này.
Ưu, nhược của thuốc sắc
Thuốc sắc là một dạng bào chế thuốc điển hình của thuốc đông y. Sắc hay còn gọi là tiễn là phương pháp cho thang thuốc đông y vào nồi sắc thuốc, có chứa nước lã (sạch). Đun nấu kỹ, sôi thật nhừ để cô đặc lại. Chất thuốc tan vào trong nước, dưới tác dụng của nhiệt, chúng “thôi” ra nhiều hơn. Ta dùng nước sắc này uống để thu được phần dược lý, phần bã thải bỏ.
Sắc thuốc là một trong các phương pháp chế thuốc thông dụng của thuốc đông y. Các phương pháp chế thuốc đông y có nhiều phương pháp khác nhau bao gồm: chỉ dùng lửa, chỉ dùng nước, kết hợp cả lửa và nước.
Nhược điểm của thuốc sắc là lách cách, tỉ mẩn. Bạn sẽ phải cho thuốc vào nước và đun trong nhiều giờ. Đun cho cạn, chắt ra, rồi lại cho thêm nước vào đun tiếp. Khi đun, bạn phải canh chừng kẻo cạn, khê nồi. Nếu cho nước vào quá sớm thì lại lâu cô đặc. Thường sắc 3 bát nước còn 1 bát thì dùng, do vậy rất mất thời gian. Khi dùng thì phải dùng đúng cách mới công hiệu, tức là phải dùng ngay khi còn ấm. Vì thuốc càng ấm càng đi vào cơ thể tốt. Nếu để nguội coi như giảm tác dụng. Bạn không thể sắc thuốc một thể, để trong tủ lạnh hoặc đem đến cơ quan dùng vì như vậy thuốc không còn nhiều công hiệu.
Nhược điểm nữa của thuốc sắc là bảo quản khó. Nếu không bảo quản đúng, thuốc có thể bị mốc phải bỏ. Thêm vào đó, thuốc sắc có thể phải uống lẫn cả tạp chất. Cơ thể phải mất công thải bỏ vì những tạp chất này không có tác dụng điều trị.
Song thuốc sắc lại rất tốt theo đúng như chuẩn mực đông y lý. Việc dùng thuốc đông y thường phải dùng theo thang, tức là có nhiều vị phối hợp trong cùng một thang thuốc. Các vị này có vai trò khác nhau, có vị chính, vị phụ, vị dẫn đường, thường được gọi là quân-thần-tá-sứ. Khi dùng thuốc sắc, chúng ta phối hợp được các vị này, làm thuốc ngấm vào cơ thể dễ như không. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc sắc còn tận dụng mức nhiệt nóng làm thuốc dễ phát tán, dễ bay hơi, dễ thăng giáng nên dễ đi vào cơ thể. Ví dụ dùng các bài thuốc có vị gừng. Nếu dùng dưới sự hỗ trợ của nhiệt, vị trong gừng đi vào cơ thể nhanh và dễ. Điểm này, các dạng thuốc khác của tây y không có được.
Một ưu điểm quan trọng của thuốc sắc là giữ nguyên tính vị của thuốc vì tính vị của thuốc không chỉ do một chất hóa học đơn lẻ nào tác dụng lên. Nếu như tinh lọc thảo dược nhằm tách chế ra một chất hóa học thì làm sai lạc tính vị của thuốc. Một trong các cơ chế tác dụng của thuốc đông y là tác dụng theo tính vị và theo đường kinh lạc. Ví dụ như thuốc có vị cay, ôn, ấm thì hợp với thể hàn chẳng hạn. Do đó, thuốc sắc đã làm cho thang thuốc đông y trở nên hoàn hảo và đầy hữu ích.
Cân tiểu ly
Đem lên bàn cân so sánh hai loại thuốc mới thấy, cái nào cũng đúng và cũng có nguyên lý của nó. Thực khó so sánh và lựa chọn. Trong cuộc tranh luận trên, cả cụ Khang và cụ Bảng đều có phần đúng nhất định.
Nếu như bạn là người của xã hội hiện đại, vừa đi làm, vừa điều trị thì thuốc viên là lựa chọn tốt nhất cho bạn. Nó không đòi hỏi mất nhiều thời gian mà công dụng điều trị vẫn có thể đạt được.
Nhưng nếu bạn có đủ thời gian thì sử dụng thuốc sắc là lời khuyên tốt nhất với các bài thuốc đông y. Vì nó giữ được nguyên bản và nó thực hành đúng theo nguyên lý đông y đề ra: lập lại cân bằng cơ thể, vượng nội tại để chiến thắng bệnh tật. Đó là cách làm hay mà khi bệnh khỏi thì cơ thể đã khỏe mà tự loại trừ bệnh ra ngoài.
Theo suckhoedoisong