Sinh nở là một công việc khó khăn và gây đau đớn cho người mẹ. Nhưng bạn đừng sợ vì có rất nhiều cách giúp bạn kiểm soát cơn đau sinh nở.
1. Thư giãn
Hãy nghĩ đơn giản thế này: khi bạn sợ đau – bạn càng căng thẳng, khi bạn căng thẳng – cơn đau càng tồi tệ hơn và lại khiến bạn căng thẳng… Vì thế, hãy thư giãn.
2. Thở
Tập trung vào nhịp thở của bạn với mỗi cơn co. Khi bắt đầu một cơn co, bạn hãy hít sâu và từ từ thở ra, thật thư giãn (hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng và luôn giữ cho miệng, cằm được thoải mái).
Đừng lo lắng xem bạn thở sâu được bao nhiêu, quan trọng là bạn thấy dễ chịu. Bạn cần lặp lại chu trình hít vào bằng mũi và thở ra với miệng đều đặn. Khi cơn co đi qua, bạn hãy thư giãn.
3. Làm xao lãng bản thân
Đối với những người mẹ mang thai lần đầu, cơn chuyển dạ có thể kéo dài 12-14 tiếng đồng hồ. Khi những cơn co thắt bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy cơn đau ở lưng hay bụng dưới nhưng bạn nên cô gắng giữ bình tĩnh. Nếu bạn lo lắng ngay từ khi bắt đầu, đếm từng cơn co thắt thì có khả năng bạn càng hoảng sợ hơn. Thay vào đó hãy khiến mình bận rộn cho những hoạt động khác như đi bộ, tắm vòi hoa sen… Bất kỳ điều gì thư giãn cũng có ích cho bạn lúc này.
4. Di chuyển xung quanh
Đi bộ, lắc lư, thay đổi vị trí hoặc ngồi trên một quả bóng cho phụ nữ mang thai có thể giúp bạn dẹp bỏ đau đớn. Đi bộ còn khuyến khích thai nhi lọt đúng xuống khung xương chậu của mẹ. Trong môi trường bệnh viện, không ít người mẹ e ngại đi bộ bởi họ được chỉ định dùng thuốc giảm đau nhưng bạn có thể thử thay đổi các vị trí như đứng, ngồi xổm, ngồi ở cạnh giường…
Trừ khi quá mệt, nếu không, bạn tránh nằm dài một chỗ khi cơn co xuất hiện. Cơn chuyển dạ dường như lâu hơn nếu bạn nằm nghỉ và cơn chuyển dạ càng lâu thì bạn càng mệt mỏi. Không nhất thiết phải cố đứng thẳng, bạn hãy chọn tư thế nào mà bản thấy thoải mái nhất. Bác sĩ có thể hỗ trợ cho bạn trong những tư thế:
– Đứng và tựa người vào chồng.
– Quỳ gối và tựa người vào một chiếc ghế vững chắc.
– Ngồi một lát trên ghế rồi đứng dậy và đi lại.
5. Tắm vòi sen
Cơn đau làm căng các cơ trên toàn cơ thể, khiến bạn khó chịu nhiều hơn. Tắm vòi hoa sen với nước ấm giúp bạn giảm đau lúc này. Hãy đưa đầu vòi hoa sen tới những chỗ bị đau như lưng chẳng hạn. Tắm vòi sen thích hợp với bất kỳ giai đoạn nào của chuyển dạ.
6. Massage
Nghiên cứu tại trường đại học Y khoa Miami cho thấy, những người mẹ trong cơn chuyển dạ được chồng massage sẽ bớt đau và ít lo lắng khi sinh hơn.
Massage vừa có tác dụng giảm đau vừa giúp thai phụ bớt lo lắng. Bạn có thể nhờ chồng (người thân) massage lưng trong những cơn co hoặc massage tay ở giữa những cơn co, giúp thư giãn.
7. Trong bồn tắm
Một người mẹ kể: “Ở lần sinh con thứ hai, tôi cảm thấy rất khó khăn. Bác sĩ nói rằng còn quá sớm để gây tê ngoài màng cứng. Sau đó, bác sĩ cho tôi ngâm mình trong bồn tắm của bệnh viện. Điều này thật kỳ diệu: tôi có thể thay đổi vị trí một cách dễ dàng trong làn nước ấm. Ngoài ra, ngồi tron bồn tắm còn giúp tôi nới lỏng các cơn đau ở lưng. Khi tôi ra ngoài thì cũng là thời điểm được tiến hành gây tê ngoài màng cứng. 10 phút sau, con gái của tôi chào đời”.
8. Chườm ấm
Chườm ấm giúp giảm căng cơ; vì thế, nó cũng có tác dụng hạn chế cơn đau khi chuyển dạ. Thai phụ có thể chườm lưng, háng bằng một túi hạt lúa mỳ (hạt thóc) hoặc một chai nhựa, chứa nước ấm. Túi hạt có thể làm nóng qua lò vi sóng. Chúng sẽ giữ ấm được trong vòng cả giờ đồng hồ hoặc lâu hơn thế. Với chai nhựa chứa nước, có thể bọc chai nhựa qua một chiếc khăn (hoặc miếng vải mềm) trước khi chườm.
9. Sinh con dưới nước
Kỹ thuật này giúp những cơn co dễ chịu hơn; đồng thời, dưới tác động của nước, cơn đau ở lưng và bụng bầu cũng được giảm thiểu. Nhóm thai phụ sinh con dưới nước thường không cần kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng như quá trình sinh nở bình thường.
10. Những gợi ý khác
– Nếu đang ở trong bệnh viện, bạn cần sự hỗ trợ từ bác sĩ; càng được trợ giúp nhiều, bạn càng đỡ căng thẳng hơn.
– Uống một chút nước giữa những cơn co.
– Ăn chút thức ăn giàu carbohydrate nếu bạn thấy đói.
– Có thể kêu rên, nếu bạn muốn vì hành động này giúp bạn dễ chịu hơn.
– Hãy nắm lấy tay chồng của bạn.
– Suy nghĩ tích cực: “Mỗi cơn co trôi qua là em bé sắp chào đời”.
– Hỏi bác sĩ (người thân) những điều bạn không hiểu. Cảm giác hoang mang chỉ khiến cơn đau tồi tệ hơn.
– Đi tiểu thường xuyên hơn vì một bàng quang căng đầy sẽ làm chậm cơn chuyển dạ.
Theo Afamily