Nghe đến “testosterone”, bạn hình dung ra điều gì? Ắt hẳn đó là một anh chàng cơ bắp. Thực tế, hoóc môn nổi tiếng này can thiệp nhiều chỗ, không chỉ là bộ xương, cơ hay tính khí của bạn.
1.Testosterone không chỉ là đàn ông
Mặc dù mọi người thường gán khái niệm testosterone cho đàn ông, nhưng thực chất phụ nữ cũng có hoóc môn này. Một người phụ nữ khỏe mạnh sản sinh khoảng 300 microgram chất này mỗi ngày.
Testosterone giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe tình dục. Nó kích thích ham muốn, làm tăng dục năng, duy trì sự hưng phấn và làm tăng sự thỏa mãn. Nó cũng giúp phụ nữ duy trì mật độ xương, khối lượng cơ và mức năng lượng khỏe mạnh.
Phụ nữ bị hội chứng thấp testosterone (low T) có thể bị suy giảm ham muốn chăn gối, mệt mỏi dai dẳng và giảm cảm giác hạnh phúc.
Testosterone đóng vai trò vô cùng quan trọng với sức khỏe, sinh lý. Ảnh: infographicszone.
2. Hội chứng thấp testosterone (low T)
Hiện tượng cơ thể có ít testosterone cũng là vấn đề với đàn ông. Một người được coi là mắc hội chứng này nếu testosterone nhỏ hơn 300 nanogram/dl.
Cái gì gây ra hội chứng low T? Khi đàn ông có tuổi, cơ thể tự nhiên sản xuất ít testosterone hơn. Tuy nhiên, trong một số bệnh hoặc điều trị thuốc, do tình trạng gene hay lối sống có thể đẩy nhanh sự suy giảm này.
Đàn ông bị thấp testosterone cảm thấy giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương, xương yếu và các vấn đề sức khỏe khác.
3. Mắc tiểu đường? Hãy kiểm tra testosterone
Những người đàn ông bị tiểu đường đặc biệt có xu hướng bị hội chứng thấp testosterone. Theo Hiệp hội đái tháo đường Mỹ, một người đàn ông bị tiểu đường tuýp 2 thì có nguy cơ bị thấp testosterone cao gấp đôi so với nam giới không mắc bệnh này.
4. Vai trò thật sự của testosterone là gì?
Chúng ta đều biết rằng testosterone giúp xây dựng cơ bắp và thúc đẩy ham muốn tình dục. Tuy nhiên, bạn có biết nó cũng tốt cho máu? Đó là bởi hoóc môn này đóng vai trò quyết định trong việc tạo hồng cầu. Nếu bạn bị thấp testosterone, cơ thể bạn sẽ không tạo đủ tế bào hồng cầu. Sự giảm sản xuất này sẽ làm giảm đáng kể năng lượng của cơ thể.
5. Testosterone và mật độ xương
Ngoài việc xây dựng cơ bắp và tạo hồng cầu, testosterone còn giúp duy trì mật độ xương cho cơ thể. Nếu hàm lượng testosterone của bạn giảm xuống, xương của bạn trở nên dễ gãy vỡ. Bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra mật độ xương để xem bạn có bị thấp testosterone hay không.
Low T có thể gây loãng xương ở nam giới. Bác sĩ thường điều trị bệnh này bằng liệu pháp hoóc môn thay thế, giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình mất xương.
6. Sức khỏe tinh thần và testosterone
Nếu những điều đó vẫn chưa đủ, thì testosterone còn đóng vai trò sống còn đối với sức khỏe tinh thần của phái mạnh. Nó giúp duy trì năng lượng và cảm giác hạnh phúc.
Vì thế, những người đàn ông bị thấp testosterone thường thấy không hạnh phúc, trầm cảm và uể oải.
7. Dùng testosterone chữa bệnh
Vì những tác dụng kinh ngạc đó của testosterone, không ngạc nhiên là nó được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Chẳng hạn, testosterone tổng hợp được dùng để:
– Điều trị tinh hoàn không hoạt động
– Ngăn tiết sữa
– Điều trị một vài dạng ung thư vú
Bác sĩ cũng sử dụng liệu pháp thay thế hoóc môn để điều trị cho đàn ông bị thấp testosterone.
8. Quá nhiều testosterone
Quá nhiều một thứ gì đó tốt đều thành không tốt, kể cả với testosterone. Hàm lượng testosterone cao trên 1.200 nanogram/dl) có thể chỉ báo bạn bị:
– Kháng androgen: tình trạng mà người nam (về sinh học) phát triển các đặc điểm nữ
– Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh: tình trạng khiến các đặc điểm nam tính xuất hiện sớm hoặc không phù hợp.
– Ung thư buồng trứng
– Ung thư tinh hoàn
Testosterone cao cũng có mối liên hệ với sự hung hăng, và có thể làm tăng nguy cơ tim mạch.
Theo VnExpress