Hạ đường huyết (ĐH) là khi nồng độ đường glucose trong máu giảm xuống dưới 4mmol/l, không đủ cho cơ thể hoạt động. Hạ ĐH hiếm gặp ở người bình thường nhưng khá phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ), chủ yếu là do biến chứng của điều trị.
Sự nguy hiểm khi bị hạ ĐH
Khi bị hạ ĐH, các cơ quan trong cơ thể bị lâm vào tình trạng thiếu năng lượng, các hoạt động bị đình trệ. Dù cơ thể có khả năng huy động năng lượng từ các nguồn khác như từ lipid, protid nhưng cũng chỉ tạm thời và không đủ. Đặc biệt là não và hồng cầu là hai cơ quan trong cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ glucose. Vì thế, hạ ĐH nặng hoặc kéo dài có thể gây tổn thương não nặng, thậm chí gây tử vong. Do vậy, việc phát hiện và điều trị ĐH máu phải càng nhanh càng tốt.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng của một người bị hạ ĐH cũng gần giống như khi bị đói nhưng nặng hơn nhiều. Các triệu chứng này xuất hiện qua 3 giai đoạn:
– Giai đoạn đầu (ĐH giảm xuống còn 4-3mmol/l): Bệnh nhân có cảm giác đói, vã mồ hôi, run chân tay, hồi hộp đánh trống ngực và lo sợ… Đa số các bệnh nhân bị hạ ĐH nhận biết và tự điều trị ở giai đoạn này.
– Giai đoạn sau ĐH giảm xuống còn 3-2mmol/l): Bệnh nhân có cảm giác yếu, mệt, đau đầu, nhìn mờ và lơ mơ.
– Giai đoạn cuối, một số ít bệnh nhân (khi ĐH giảm xuống < 2mmol/l) sẽ đi vào hôn mê, có thể bị co giật.
Bệnh nhân mắc ĐTĐ đã lâu và đã có các biến chứng thần kinh, tim mạch hoặc những bệnh nhân đã bị hạ ĐH nhiều lần thì các triệu chứng trên rất mờ nhạt, thậm chí có thể không có bất cứ triệu chứng nào. Một số bệnh nhân ĐTĐ đang được dùng các thuốc điều trị suy tim, tăng huyết áp… thì các triệu chứng của hạ ĐH cũng rất mờ nhạt do hầu hết bị thuốc này làm giảm đi rất nhiều hoặc làm mất hoàn toàn các triệu chứng. Những bệnh nhân này có thể đột ngột đi vào hôn mê mà không có bất cứ dấu hiệu báo trước nào.
Hạ ĐH cũng có thể xảy ra khi đang ngủ nên khi mê thấy ác mộng nhiều, sáng ngủ dậy thấy người ướt đẫm mồ hôi, rất mệt, khó chịu, đau đầu… thì cần phải nghĩ đến hạ ĐH khi đang ngủ.
Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh ĐTĐ có những dấu hiệu giống như hạ ĐH nhưng khi đo thì thấy ĐH không thấp (từ 4-6mmol/l), nguyên nhân là do trước đó ĐH của họ thường xuyên cao nên khi ĐH giảm (mặc dù chưa phải là hạ ĐH) thì một số cơ quan có cảm giác bị “thiếu” giả tạo và phát ra những dấu hiệu như khi ĐH hạ thấp. Hạ ĐH là khi đo thấy ĐH dưới 4mmol/l, do vậy, khi nghi ngờ bị hạ ĐH cần phải đo ĐH để kiểm tra thì mới chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời.
Theo suckhoedoisong