Dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp giữa trẻ em và người lớn. Ở giai đoạn này cơ thể các em sẽ phát triển các đặc điểm sinh dục thứ cấp và cơ quan sinh dục ngày càng hoàn chỉnh để có thể thực hiện chức năng sinh sản.
Ở nữ, dậy thì từ 9 – 14 tuổi, vú và mông phát triển, xuất hiện lông nách, lông mu, tử cung to ra… và bắt đầu có kinh.
Ở nam: tuổi dậy thì từ 12 – 15 tuổi, vai nở nang, bể tiếng, xuất hiện râu và lông mu, cơ quan sinh dục to ra… và có hiện tượng xuất tinh về đêm.
Trong giai đoạn này, có sự tăng tiết các nội tiết tố sinh dục như estrogen ở nữ, testosteron ở nam và sự tăng vọt về chiều cao.
Tuy nhiên, trong thực tế có những trẻ gái trên 13-14 tuổi và trẻ trai trên 15-16 tuổi vẫn chưa xuất hiện những biểu hiện của dậy thì thì xem như dậy thì muộn. Những trường hợp dậy thì quá muộn thường gây cảm giác hoang mang lo lắng cho trẻ và cha mẹ.
Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì muộn
BS.CK2.Nguyễn Thị Thanh, Bệnh viện Nhi đồng 2, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ dậy thì muộn. Dưới đây là một số nguyên nhân.
Di truyền: Dậy thì muộn ở trẻ có thể đơn giản là từ các thế hệ trước. Trong gia đình có nhiều người dậy thì muộn, và không cần điều trị đặc hiệu.
Chế độ ăn uống không hợp lý: suy dinh dưỡng kéo dài, trầm cảm hay rối loạn nhận thức như ở trẻ gái sợ mập..Ngoài ra còn có nguyên nhân do có bệnh mãn tính: như tiểu đường, suyễn, bệnh thận,v.v… Khi có vấn đề như trên , gia đình cần phải đưa trẻ đi khám và điều trị.
Vấn đề về tuyến yên và tuyến giáp: Đó là các tuyến sản xuất hooc mon quan trọng cho sự tăng trưởng cơ thể và phát triển.
Vấn đề nhiễm sắc thể: Một số người cũng có thể không dậy thì bình thường vì có vấn đề với nhiễm sắc thể. Vấn đề này có thể gây trở ngại cho quá trình tăng trưởng bình thường. Đối với nữ, hội chứng Turner là một ví dụ của một chứng rối loạn nhiễm sắc thể.
Tóm lại ở trẻ em nên theo dõi sát biểu đồ tăng trưởng và việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ là rất cần thiết để đảm bảo trẻ phát triển bình thường và phát hiện những biểu hiện bất thường sớm nhất. Trẻ 1 tuổi 1tháng khám 1 lần, trẻ 2 tuổi 2 tháng khám 1 lần, trẻ 3tuổi khám mỗi 3 tháng, trẻ 4 tuổi khám mỗi tháng, các trẻ lớn khác ít nhất khám 1lần trong 6 tháng.
Trẻ dễ bị rối loạn tâm lý khi dậy thì
Trẻ ở độ tuổi dậy thì bắt đầu có những thay đổi về hình thể, về tâm lý. Ở lứa tuổi “nửa người lớn, nửa trẻ con” này thường khiến trẻ ngơ ngác, không hiểu được chính bản thân mình, thậm chí không chấp nhận chính cả bản thân mình. Từ đó dễ có những suy nghĩ và hành vi lệch lạc…
Theo các bác sĩ tâm lý, ở tuổi dậy thì trẻ có thay đổi nội tiết tố làm thay đổi giọng nói, chiều cao, da mặt… Có những em khi dậy thì mặt bị mụn bọc, mụn cám rất nhiều. Có em đã nông nổi tự tử chỉ vì bị bạn bè chọc ghẹo, chê bai là… mặt mụn! Đó là một dạng rối loạn tâm thần phản ứng và có những hành vi không thích nghi. Khi các em mới lớn, quan hệ về chiều cao đối với các em cũng rất đặc biệt. Trước kia nói chuyện với người lớn các em phải nhìn lên, bây giờ thì nhìn ngang và có em cao quá phải nhìn xuống. Sự thay đổi về chiều cao cũng có khi làm các em bối rối.
Về học tập, tuổi dậy thì, các em đang quen với cách giáo dục chỉ có một cô hoặc một thầy, nay chuyển sang cách giáo dục nhiều thầy, nhiều cô nên rất bỡ ngỡ. Chính vì vậy thầy cô hiểu các em ít đi, còn các em dễ rơi vào cảm giác là thầy cô bớt hiểu mình và thầy cô coi mình đã lớn rồi, cư xử với mình như những học sinh đã học nhiều năm ở cấp II. Khi mới học lớp 6, các em rất bỡ ngỡ, bối rối trong việc học tập và trả bài do ở cấp I thường các em học bài nào trả bài đó. Khi lên học cấp II, có khi học tuần này thì 1-2 tuần sau các em mới phải trả bài. Các em không hiểu thầy cô sẽ dò bài trong 1-2 tuần sau, có thể hỏi những bài đã học trước. Vì vậy khi các em trả bài không đạt yêu cầu, thầy cô sẽ không hài lòng. Sự không hài lòng của thầy cô khiến các em dễ bị sốc. Chính cái sốc đó dễ gây rối loạn tâm lý, rối loạn tâm thần cho các em.
Về hình thể bên ngoài, khi bước vào tuổi dậy thì vẻ bề ngoài của các em có sự thay đổi rất lớn, các em dễ bị sốc trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, nếu không ai giải thích điều này các em càng dễ bị sốc và hoang mang hơn… Những áp lực về tâm lý của các em nếu không có người giúp giải tỏa thì về lâu dài sẽ ngày càng đè nặng lên, khiến các em có thể bị các rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc và rối loạn tâm thần.
Theo Vnmedia