Phần nhiều các điểm bán nước ép trái cây đều ép sẵn một lượng rất nhiều. Nước ép được đựng trong chai nước suối trong suốt, đặt trong các khay đá nhưng trưng bày lộ thiên ngoài đường từ sáng sớm đến 10 giờ tối.
Trái cây ít, đường – nước thì nhiều:
Chỉ một đoạn ngắn vài trăm mét trên con đường Nguyễn Thượng Hiền (Q.3, TP.HCM) đã có đến ba điểm bán nước ép trái cây tươi với những biển hiệu “nước ép trái cây tươi nguyên chất”, “nước bưởi tươi nguyên chất, giúp giảm cân”.
Ghé một cửa hàng quy mô nhất trên đoạn đường này, chúng tôi choáng ngộp khi thấy hàng trăm chai nước trái cây đã ép sẵn được xếp trong những khay đá lạnh trông rất tươi đẹp, bắt mắt. Danh sách các món nước ép được niêm yết với trên 50 loại khác nhau, giá chỉ từ 6.000-35.000đ/chai (500ml).
Đó có thể là nước ép của riêng một loại quả hoặc kết hợp một vài loại hay kết hợp thêm sữa, mật ong… Chúng tôi chọn mua một chai nước ép nho với giá 25.000đ/chai.
Người bán quảng cáo rằng đó là nước ép nguyên chất hoàn toàn, thậm chí không có đường song vị của nước ép lại khá lạt lẽo, dường như trong đó chỉ có một ít nước nho còn lại đa phần là nước. Để xác định thêm, hôm sau chúng tôi mua một chai nước ép cam nhưng yêu cầu làm tại chỗ.
Quan sát, chúng tôi thấy bà chủ lấy ra một quả cam, cắt làm đôi và ép. Thật nhanh chóng, một quả cam đã cho ra được cả một chai có nửa lít nước cam ép.
Đông khách mua nước trái cây ép sẵn
Một điểm bán nước ép trái cây khác trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), bà chủ đưa “menu” cho khách lựa chọn đồng thời tranh thủ giới thiệu: “muốn giảm cân thì uống bưởi, cam; muốn da hết mụn thì uống nước ép khoai tây, bí đao; trắng da thì uống cà rốt, cà chua, lô hội…
Tất cả đều nguyên chất, tươi ngon”. Khi chúng tôi chọn cà rốt và đề nghị ép tại chỗ thì bà chủ cho biết “cửa hàng dùng máy công nghiệp, mỗi lần ép với số lượng lớn, không ép riêng lẻ từng chai”. Khách mua chỉ được chọn những chai đã ép sẵn đang ướp lạnh trong thùng đá.
Tùy loại nước trái cây, giá mỗi chai dao động từ 20.000-30.000đ. Chúng tôi một chai cà rốt với giá 25.000đ/chai. Tuy là nguyên chất nhưng chúng tôi không thể uống nổi một ngụm vì vị ngọt của đường quá đậm, rất lâu sau khi uống vẫn còn gắt ở cổ. Rót một ít nước ép vào trong một ly đá to mà uống vẫn còn thấy ngọt.
Ghi nhận thêm một vài điểm bán nước ép trái cây trên các đường CMT8 (Q.Tân Bình, TP.HCM), Quang Trung (Q. Gò Vấp, TP.HCM), Đinh Bộ Lĩnh (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) cũng có tình trạng tương tự, hoặc là nước rất nhiều hoặc là thừa đường trong nước trái cây.
Ép sẵn, để lạnh, bán qua ngày
Phần nhiều các điểm bán nước ép trái cây đều ép sẵn một lượng rất nhiều. Nước ép được đựng trong chai nước suối trong suốt, đặt trong các khay đá nhưng trưng bày lộ thiên ngoài đường từ sáng sớm đến 10 giờ tối.
Khách đến mua chỉ cần dừng xe, chọn loại nước cần uống, nhân viên sẽ lấy chai nước bỏ vào túi nilon. Khi hỏi “nếu uống không hết thì hôm sau có uống được không”, nhân viên một cửa hàng trên đường Nguyễn Thượng Hiền hướng dẫn “cứ bỏ tủ lạnh, hôm sau uống tiếp.
Ở đây cũng vậy, bảo quản lạnh thì nước ép không bị hư”. Quan sát nhiều điểm bán nước ép bên lề đường cho thấy, dù không thấy người bán thực hiện công đoạn ép (trừ bưởi) nhưng các loại nước ép lại luôn có sẵn trong thùng đá, khách ghé mua lúc nào cũng có. Tại không ít cửa hàng, đến 10 giờ đêm mà số lượng chai nước ép vẫn kín các khay.
Tại điểm bán bưởi ép trên vỉa hè đường CMT8 (Q.Tân Bình, TP.HCM), một người đàn ông đang hì hục ép đống bưởi đã cắt sẵn đựng trong cái rổ cũ, rách tơi tả, xung quanh là xác cam, vỏ bưởi, vỏ thơm… được chất đống dưới đất thu hút đám ruồi muỗi vo ve, trông rất nhếch nhác. Rổ bưởi cắt sẵn để trần dưới nắng, không có gì che chắn khói bụi ngoài đường.
Dụng cụ là một chiếc máy vắt cỡ lớn rỉ sét, đen xì. Thoạt nhìn sẽ thấy ông chủ này cũng đảm bảo vệ sinh cho khách khi có đeo bao tay, nhưng cũng một đôi bao tay này vừa lấy bưởi để ép, vừa chế nước bưởi vào chai, vừa cầm khăn lau nước bưởi văng trên bàn…
Thông thường, khách mua chỉ dừng xe dưới lề đường nên hoàn toàn không thấy quy trình chế biến bên trong; cũng không hề biết chai nước ép trái cây đã được trữ bao lâu, trái cây có vệ sinh, an toàn hay không. Đó là chưa kể đến việc nước ép được đựng trong những chai nước suối đã qua sử dụng mà không ai kiểm chứng được mức độ vệ sinh của chúng.
10 giờ đêm, các chai nước trái cây ép vẫn đầy ắp trên các khay
Vitamin C và chất chống oxy hóa hầu như không còn
Theo TS. Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, hai thành phần chính trong nhiều loại trái cây giúp da tươi trẻ, thanh lọc cơ thể là vitamin C và chất chống oxy hóa. Song chúng lại rất dễ bị mất đi trong quá trình bảo quản, chế biến. Nếu đã ép thành nước và để qua ngày thì hàm lượng hai chất này hầu như chỉ còn lại phần rất nhỏ.
BS Lê Kim Huệ, Trưởng khoa Truyền thông Giáo dục Sức khỏe, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM có hướng dẫn cụ thể hơn: Thành phần dinh dưỡng chủ yếu trong trái cây gồm nước, chất xơ, đường, các vitamin A, C, E, B1, B2, B6…
Lượng vitamin sẽ bị hao hụt trong quá trình sơ chế (cắt gọt, ngâm, rửa), một phần còn lại trong xác trái cây sau khi ép lấy nước. Trái cây sau khi ép tốt nhất nên uống ngay, tránh để nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp, tránh để quá 24 giờ sẽ làm giảm lượng vitamin đáng kể. Nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Tại các điểm bán nước ép để sẵn, nước ép chỉ đựng trong chai nhựa trong suốt rồi “phơi” trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Dù bên dưới chai có ướp đá lạnh nhưng vẫn làm lượng vitamin bị phân hủy do ánh sáng chiếu vào; thậm chí còn bị oxy hóa làm thay đổi màu nước ép.
Ngoài ra, các máy ép hoạt động liên tục ngày này qua ngày khác, ép với số lượng lớn, nếu rửa máy không sạch, nước ép rất dễ nhiễm nấm, vi sinh từ xác trái cây cũ còn tồn đọng. Chưa kể nếu phần trái cây đem ép được lấy từ những trái bị dập, hư thì nước ép sẽ càng dễ nhiễm khuẩn hơn.
Theo PhunuOnline