Đông y gọi chứng bệnh sởi là ma chẩn, một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi vào mùa đông xuân.
Các triệu chứng khởi đầu gồm sốt cao, viêm long đường hô hấp trên (viêm kết mạc mắt, viêm mũi, niêm mạc miệng có nốt koplik kéo dài từ 2-3 ngày, viêm họng, viêm thanh quản, phế quản, ho, khó thở), viêm long đường tiêu hóa có tiêu chảy. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến thứ 7 kể từ khi lâm bệnh. Ban mọc bắt đầu từ mặt sau lan ra toàn thân, kéo dài khoảng 4 đến 7 ngày thì tự biến mất, để lại các dấu vết sắc tố trên da.
Đông y gọi chứng bệnh sởi là ma chẩn, một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi vào mùa đông xuân. Này nay, sởi lại xuất hiện ở cả người lớn tuổi, rất có thể do tình trạng miễn dịch bị suy giảm.
Người bệnh xuất hiện những nốt ban đỏ nổi cao nên khi sờ sẽ thấy vướng như những hạt kê dưới tay. Thông thường, khoảng trên dưới 10 ngày thì hết ban đỏ trên da. Nếu sức đề kháng của người bệnh yếu lại nhiễm khuẩn mạnh, các nốt ban không thể mọc được – quan niệm đông y cho rằng phong trà, hỏa độc, thực tích, đờm thấp… quá mạnh khiến cho vít lại, làm bế tắc mà ban sởi không mọc ra được.
Bởi thế, bệnh tà không thoát ra ngoài được dễ xảy ra những biến chứng như viêm tai giữa, sưng phổi (phế quản phế viêm), tiêu chảy… Trong các chứng trạng này, tùy tình hình bệnh xảy ra theo từng giai đoạn mà có những phương thuốc thích hợp. Sau đây, xin nêu cụ thể để bạn đọc tham khảo và áp dụng.
Thời kỳ sởi chưa mọc: Biểu hiện ban đầu là sốt chừng 3-4 ngày, sởi mới mọc, có dấu hiệu viêm long hô hấp trên, chảy nước mắt, mũi, niêm mạc miệng có ban chẩn (xem kỹ vùng tai, gáy, cổ, lưng có nốt ban chưa).
Dùng thuốc gồm: Lá diếp cá 16 g, rau dệu 16 g, cam thảo đất 12 g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần. Hoặc ngưu bàng 12 g, kim ngân hoa 8 g, cát căn 8 g, bạc hà 8 g, kinh giới 8 g. Đổ ngập nước, đậy kín, sắc xong đem xông và uống.
Thời kỳ sởi đã mọc: Biểu hiện ban sởi mọc tuần tự từ đầu, mặt, cổ, thân mình đến tay chân, ngày càng dày. Sốt cao, ho nhiều, đại tiện nhão, phép trị cần thanh nhiệt giải độc.
Sốt cao: Dùng cát căn 12 g, liên kiều 12 g; tri mẫu, địa cốt bì, thiên hoa phấn, ngưu bàng tử, huyền sâm, tang diệp, mỗi vị đều 8 g; cát cánh, mộc thông, hoàng cầm, cam thảo, mỗi vị đều 6 g; tiền hồ, hoàng liên, chi tử, phòng phong, bạc hà, mỗi vị đều 4 g; đăng tâm 3 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Sốt cao li bì, mê sảng (nhiễm độc thần kinh): Huyền sâm 12 g, gạo tẻ 12 g, sừng trâu 8 g, tri mẫu 8 g, cam thảo 4 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Kèm tiêu chảy: Sơn tra 8 g, đăng tâm 8 g, bình lang (sao) 4 g, chỉ xác (sao) 4 g, liên kiều 3 g, ngưu bàng tử 3 g; hoàng liên (sao), hoàng cầm (sao), hậu phác (sao), thanh bì, cam thảo, đương quy, mỗi vị đều 2 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Biến chứng bị viêm phổi: Thạch cao 20 g, hạnh nhân 6 g, ma hoàng 4 g, cam thảo 2 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Theo suckhoedoisong